Trong đề án tái cơ cấu ngành xây dựng giai đoạn 2014-2020 ban hành mới đây có đưa ra những mục tiêu liên quan đến thị trường bất động sản trong những năm tới. Theo giới chuyên gia, đây là những mục tiêu “quá sức” với thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
1. Diện tích bình quân đầu người đạt 25m2/người
Theo đề án trên, trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc sẽ đạt khoảng 25m2/người, và giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng mới khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%.
Mục tiêu trên được cho là quá cao. Có thể hình dung mức độ khó thực hiện nếu nhìn vào thực tế tại Tp.HCM- địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất cả nước với thị trường BĐS nói chung và căn hộ nói riêng khá phát triển thế nhưng tính đến cuối năm 2014, diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng chỉ đạt khoảng 16,9m2/người.
2. Nguồn thu từ BĐS đạt 10 – 15% tổng thu ngân sách
Đề án cũng tỏ rõ tham vọng của các nhà quản lý khi mong muốn phát triển thị trường BĐS ổn định, có cấu trúc hoàn chỉnh và cơ cấu hợp lý, khắc phục được tình trạng lệch pha giữa cung và cầu, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và các loại BĐS khác, đặc biệt nguồn thu từ kinh doanh BĐS và đất đai phải đạt từ 10 – 15% tổng nguồn thu ngân sách.
Nhiều mục tiêu của thị trường BĐS khó có thể hoàn thành, trong đó có cả vấn đề thu ngân sách
Nếu đặt trong bối cản hiện nay, ngành xây dựng với dấu ấn quản lý, định hướng cho thị trường BĐS khá mờ nhạt thì mục tiêu trên có phần quá sức. Một doanh nghiệp đã từng đưa ra nhận xét rằng, khi thị trường BĐS “sốt nóng” ngành xây dựng không có giải pháp nào giúp hạ nhiệt thị trường, và khi thị trường đóng băng, các nhà quản lý cũng tỏ rõ sự bất lực của mình trong việc khơi thông thị trường.
3. Hoàn thành giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vào 1/6/2015
Đề án cũng nêu rõ, các ban ngành cần tiếp tục rà soát các dự án kinh doanh BĐS trong phạm vi cả nước, triển khai phân loại cụ thể những dự án nào được phép triển khai tiếp, dự án nào phải tạm dừng hoặc phải điều chỉnh cơ cấu đáp ứng nhu cầu của thị trường và phù hợp với kế hoạch phát triển của từng loại BĐS ở từng địa phương.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển NƠXH để bán, cho thuê, cho thuê mua cũng được đưa ra để cải thiện nhà ở cho các đối tượng thuộc diện chính sách bằng các hình thức hỗ trợ về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng ưu đãi…
Nếu nhìn lại chặng đường phát triển NƠXH trong những năm qua sẽ thấy mục tiêu đề ra khó có thể đạt được. Đối tượng của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng gồm cả doanh nghiệp xây dựng và các cá nhân thuộc diện chính sách được mua, thuê mua NƠXH. Thế nhưng hiệu quả của chương trình này vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Cụ thể, sau gần 2 năm thực hiện, số tiền giải ngân của các ngân hàng cho vay theo chương trình mới chiếm khoảng 17%, vì thế mục tiêu hoàn thành giải ngân vào thời điểm 1/6/2016 trở nên quá xa vời. Liên quan đến vấn đề chậm tiến độ, mới đây, đại diện Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này.
Nguyên nhân chậm trễ theo các doanh nghiệp do họ gặp quá nhiều khó khăn trong khâu thủ tục. Cụ thể, khi dự án chưa giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy phép xây dựng hoặc báo cáo tài chính không đủ điều kiện…doanh nghiệp không được vay vốn. Tương tự, người mua nhà cũng phải trải qua cả mớ thủ tục lằng nhằng mới tiếp cận được vốn vay.
Đồng thời, mỗi địa phương lại yêu cầu xác nhận theo kiểu “mỗi nơi một phách” khiến cho các đối tượng tham gia “toát mồ hôi” mà cũng không thể đáp ứng các điều kiện đề ra. Còn phía ngân hàng lại đổ lỗi do sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc NƠXH….
Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi thời hạn đã cận kề rồi mà các chỉ tiêu đề ra của các chương trình, đề án vẫn còn quá xa đích đến chứ chưa nói đến việc hoàn thành. Vì thế, thị trường BĐS nước ta muốn hồi phục, ổn định và phát triển chủ yếu vẫn phải dựa vào nội lực của bản thân các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế.
Theo DNSG Online