Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy bắt đầu bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, thị trường thực sự khởi sắc hay không thì chắc chắn không ai dám khẳng định.
Thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Hiện nay, nền kinh tế đã bắt đầu bước sang giai đoạn hồi phục với việc GDP trong quý I/2015 có sự khởi sắc hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, giúp thị trường ấm lên.
Đồng thời, báo cáo của Cục Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý I/2015, toàn quốc có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 111.218 tỷ đồng, tăng 13,5% về số vốn đăng ký và tăng 3,8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Đây có thể nói là một tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS vì sau một thời gian khá dài rơi vào đóng băng, khủng hoảng khiến nhều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều sàn giao dịch BĐS xuất hiện trên thị trường, kéo theo đó là nhu cầu tuyển dụng nhân viên môi giới BĐS tăng vọt.
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc ThanhYen Land Nguyễn Duy Minh cho biết, công ty đã tuyển được 150 nhân viên trong ngày hội việc làm vừa qua ở Cung Văn hóa Lao động Tp.HCM. Theo ông, số lượng sản giao dịch của công ty từ giờ đến cuối năm 2015 sẽ tăng từ 3 lên 6. Công ty sẽ tuyển thêm 150 nhân viên nữa trong quý II/2015.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong hội nghị “Gặp mặt Hội viên VNREA 2015” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, lượng giao dịch BĐS trong tháng 3/2015 và quý I/2015 tăng rất cao. Trong 3 tháng đầu 2015, thị trường Hà Nội ghi nhận 4.250 giao dịch thành công, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng tháng 3 có đến 1500 giao dịch. Còn Tp.HCM cũng đạt 3.950 giao dịch thành công trong quý I/2015, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014, riêng tháng 3 đã đạt 1400 giao dịch. Thị trường BĐS đã khởi sắc, lượng BĐS tồn kho giảm gần 58 nghìn tỷ đồng, hiện còn khoảng trên 70,7 nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, thị trường BĐS đang có tín hiệu hồi phục. Ảnh minh họa
Đồng thời, báo cáo tổng kết của VNREA cũng chỉ ra, sự khởi sắc của thị trường BĐS còn thể hiện ở phương thức bán hàng hiệu quả ở phân khúc căn hộ, một số dự án có vị trí tốt trên thị trường thứ cấp giá tăng khoảng 1-3%, đặc biệt có một số dự án tăng đến 5-10%. Trong khi đó, thị trường bán lẻ và văn phòng cho thuê vẫn đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho khách hàng, xu hướng giảm giá vẫn đang diễn ra và nguồn cung tiếp tục tăng.
Tảng băng BĐS mới từ từ tan chảy
Dù thị trường BĐS đang đón nhận nhiều tin vui nhưng để khối băng BĐS vốn đã đóng nhiều năm qua tan chảy thì khó có thể nhanh chóng. Hiện nay, lượng giao dịch đang có dấu hiệu gia tăng nhưng đó mới chỉ chủ yếu tập trung vào một số phân khúc nhất định, cũng như ở một số dự án có vị trí tốt với những dịch vụ, chương trình hấp dẫn cho người mua. Phần lớn nhu cầu vẫn còn đang trong tình trạng xem xét, chờ đợi, nhận định. Có thể khẳng định, trong thời gian ngắn hạn, việc thị trường BĐS có sự bứt phá là không thể diễn ra.
Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia Nguyễn Trung Tín nhận định, giao dịch BĐS tăng bởi nguồn cung đã phù hợp với nhu cầu của khách hàng, sau 5 năm cũng đã có nhiều thông tin để chọn được những chủ đầu tư uy tín. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là BĐS hiện đã xuống “đáy”, chi phí vốn, đầu tư… đã xuống hết mức để hoàn thiện sản phẩm nên thúc đẩy khách hàng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng mong muốn thị trường tăng trưởng lâu dài, ổn định nên không thể có tình trạng bắt tay nhau đẩy giá BĐS, tạo cơn sốt ảo.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, thị trường BĐS khởi sắc là vì một vài dự án có vị trí tốt tăng giá cục bộ chứ không phải là biểu hiện đầu cơ tăng giá. Thêm nữa, nguồn cung hiện đang dồi dào, cả người mua và doanh nghiệp đều đã có kinh nghiệm từ thời gian khủng hoảng trước đây. Vì vậy, thị trường trong 1-2 năm tới khó có thể xuất hiện tình trạng “bong bóng” mới hay “sốt giá”.
Những chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực BĐS cũng chỉ nhận định về thị trường trong một thời gian dài. Từ những yếu tố tác động có thể khẳng định thị trường BĐS trong những năm tới sẽ có dấu hiệu phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam như những tập đoàn danh tiếng khu vực Trung Đông đang quan tâm đặc biệt đến các dự án BĐS Việt Nam với quy mô lên tới hàng tỷ đô la. Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn sức hút rất lớn với các chính sách kinh tế hỗ trợ, ưu đãi nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Nhờ đó, thị trường đã có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực.
Tại Hội nghị Gặp mặt Hội viên VNREA 2015, ông Trần Kim Chung nhận định, bên cạnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong các năm tiếp theo, dự báo tốc độ này sẽ tăng khoảng 45% vào năm 2025. Điều đó cho thấy, nhu cầu của người dân đối với thị trường vẫn còn lớn. Vì thế, trong 10 năm tới, thị trường BĐS có tiềm năng phát triển.
Theo Kinh tế và Dự báo