Bất động sản An Giang: Chuyển mình đón cơ hội mới

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang là tỉnh đóng góp tỷ lệ quan trọng đưa cả khu vực ĐBSCL đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo, thủy sản. Ngoài ra, với thế mạnh về du lịch cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, thị trường Bất động sản An Giang đang có những bước chuyển biến mới nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các khách hàng.

thanh-pho-long-xuyen-tu-tren-cao

Thành phố Long Xuyên nhìn từ trên cao

Tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư

Nằm trong tứ giác Long Xuyên thuộc vùng ĐBSCL (bao gồm Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ). Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam – Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu, An Giang có lợi thế đặc biệt về phát triển kinh tế cửa khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được thành lập đầu năm 2008 trên cơ sở ba khu vực cửa khẩu là Tịnh Biên, Vĩnh Xương và Khánh Bình.

Khu vực Tịnh Biên rộng gần 92,3km² nối với cửa khẩu Phnom Den, tỉnh Takeo, Campuchia kết nối với quốc lộ 19 của Việt Nam và quốc lộ 2 của Campuchia.

Khu vực Vĩnh Xương rộng gần 99km² nối với cửa khẩu Kaosamnor của Campuchia. Tuyến giao thông chính giữa hai khu vực này là sông Mê Kông (sông Tiền). Khu vực Khánh Bình rộng 87km² bao gồm cửa khẩu quốc gia Khánh Bình và cửa khẩu Bắc Đai.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế toàn miền Tây Nam Bộ, Chính Phủ đã quy hoạch Khu vực Tân Châu – Vĩnh Xương và trục Tịnh Biên – Tri Tôn – Núi Sập của An Giang thành những “đầu tàu” kinh tế  để lôi kéo các vùng khác phát triển đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ gắn với phân bố dân cư và phát triển các dịch vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

Ngoài thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, An Giang còn có thế mạnh đặc biệt về du lịch với núi non, sông nước hữu tình và nhiều di tích nổi tiếng. Nơi đây có cụm Thất Sơn (7 ngọn núi) huyền bí với các yếu tố siêu nhiên, phong thủy… mỗi năm thu hút hàng triệu người về đây hành hương, du lịch. Vùng Bảy Núi còn là nơi có nhiều lễ hội đặc thù của đồng bào Khmer, tiêu biểu là lễ hội Đua bò Bảy Núi được diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm. Vùng đất khai mở hơn 250 năm, đã gắn liền với địa linh nhân kiệt Tây Nam Bộ như Trương Công Ðịnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Trung Trực…

le hoi dua bo bay nui - an giang

Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang)

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc), hàng năm cũng thu hút trên 2 triệu lượt khách hành hương. Ngoài ra, rừng tràm Trà Sư, tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm, Búng Bình Thiên, khu di tích Tôn Đức Thắng… luôn là những điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch của chính quyền An Giang, trong tương lai, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh và phát triển các tuyến du lịch ngoại tỉnh, mở rộng hợp tác, liên kết với các nước Campuchia, Lào, Thái Lan…

Đặc biệt, nhắc tới An Giang được người ta nghĩ ngay đến những thế mạnh nổi trội của miền Tây Nam Bộ với mênh mông sông dài, ruộng đồng bát ngát. An Giang là kho thủy sản dồi dào, nổi tiếng với cá basa và vườn cây trái xum xuê. Rau quả trong vùng có mặt khắp đất nước và được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh trụ cột là nông nghiệp, hiện tại An Giang đang tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ với các ngành công nghệ cao. Hệ thống đô thị đang mở rộng cho tương xứng với chức năng là trung tâm thúc đẩy phát triển Kinh tế – Xã hội của vùng ĐBSCL. Các khu dân cư, khu đô thị mới đang dần hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại học An Giang đang là cơ sở đào tạo đa ngành phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng ĐBSCL. Hiện nay, ở các địa phương trong vùng đã và đang cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư về An Giang phát triển kinh tế.

Long Xuyên – Sức hút mới từ vùng đất lành

Năm 1956 tỉnh lỵ tỉnh An Giang được đặt tại Long Xuyên, một vùng đất trù phú “trên bến, dưới thuyền” với sông nước hiền hòa, đất đai trù phú. Từ đó, Long Xuyên ngày càng phát triển và là một trong những trung tâm thương mại hàng đầu Tây Nam Bộ (chỉ sau thành phố Cần Thơ), địa phương này còn là cầu nối giao thương quan trọng giữa Campuchia với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chế biến nông sản và thủy sản là hai nghành chủ lực với hàng chục ngàn công nhân làm việc hàng trăm nhà máy xay xát gạo, chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu… Ngoài ra, nơi đây hiện có gần 20 ngành nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời.

Mỗi phường trong thành phố đều có chợ phục vụ nhu cầu mua bán của người dân. Chợ nổi Long Xuyên là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Bên cạnh đó, tại đây còn có sự hiện diện của các trung tâm mua sắm lớn, như: Coop Mart, Metro, Vinatex Mart, Nguyễn Kim… Dự kiến 7/2015, Trung tâm thương mại Vincom An Giang sẽ khai trương tại khu phức hợp Star World, phường Mỹ Bình. Tại Long Xuyên cũng có mặt hầu hết các Ngân hàng lớn ở Việt Nam.

Tet-mien-Tay-1

Chợ nổi trên sông là nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cơ sở hạ tầng và giao thông tại thành phố Long Xuyên cũng rất phát triển. Nơi đây có cảng Mỹ Thới với cầu cảng dạng liền bờ dài 106m, rộng 21m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến năm ngàn DWT và 2 bến phà lớn là phà Vàm Cống, phà An Hòa phục vụ việc đi lại giữa các vùng lân cận và lên thành phố Hồ Chí Minh.

Thời xưa, Long Xuyên đã nổi tiếng và đi vào thi ca với câu: “Trai Nhân Ái, gái Long Xuyên” hay “ Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà” để lột tả tính cách chịu thương chịu khó của phụ nữ long Xuyên và thú ăn chơi với các đặc sản dân dã khó quên. Cái tên Long Xuyên luôn gợi nhớ, gợi thương đối với những ai đã một lần đặt chân đến vùng đất này.

Hiện tại, TP. Long Xuyên đang kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, tăng quy mô dân số lên gấp đôi với mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2020. Long Xuyên hiện có dân số là 280.000 người, trong khi một trong những điều kiện để trở thành đô thị loại I là dân số phải đạt trên 500.000 người. Do đó, chính quyền Long Xuyên sẽ tích cực phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút lao động, tăng dân số trong thời gian tới.

Để làm được điều này, Long Xuyên đang phát triển hệ thống giao thông, các khu đô thị, nhà ở để đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại cho lượng dân số bổ sung sắp tới, người lao động ở các huyện xung quanh cũng có nhu cầu lớn về nhà ở để sinh sống hoặc đưa người thân về thành phố định cư.

Tất cả những yếu tố trên là hạt nhân hấp dẫn cả doanh nghiệp Bất động sản, nhà đầu tư và những cư dân muốn tìm một chốn an cư lý tưởng, vững bền. Nơi đây quả thực là thị trường Bất động sản đầy tiềm năng đối với những ai có tầm nhìn xa. Hiện tại, các dự án Bất động sản chất lượng tại Long Xuyên vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và luôn được các nhà đầu tư, khách hàng săn đón.

Tùng Khương

Cơ cấu kinh tế đến năm 2015:

Khu vực nông – lâm – thủy sản chiếm 25,24%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 17,56%; khu vực dịch vụ chiếm 57,20%. Xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, gồm: KCN Vàm Cống (TP. Long Xuyên) với diện tích 500ha, KCN Hội An (huyện Chợ Mới) với diện tích 100ha… Mở rộng KCN Bình Hòa lên 281,7ha và KCN Bình Long lên 180,6ha. Phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy các KCN theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao. Phát triển khu vực TP. Long Xuyên và thành phố Châu Đốc thành những trung tâm thương mại lớn.

Cơ sở hạ tầng và giao thông tại An Giang rất phát triển:

Ngoài Quốc lộ 91 là con đường nối liền thành phố Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên dài 142 km. Tỉnh lộ 956 dài 35,5 km chạy xuyên suốt tỉnh An Giang nối Quốc lộ 21 của Campuchia, Quốc lộ 80 có độ dài 215 km, chạy qua địa phận, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang… Trong thời gian tới hạ tầng giao thông sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp bao gồm việc xây dựng cầu qua sông Bình Di, cải tạo các tỉnh lộ 956, tỉnh lộ 957, tuyến Nam Sông Hậu, và các cầu còn lại trên sông Tiền, sông Hậu…

Quy hoạch sân bay An Giang đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2011 gồm hai giai đoạn: giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sân bay sẽ được xây tại huyện Châu Thành. Diện tích khu vực sân bay là 235,04ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.417 tỷ đồng.