Thị trường bất động sản đón tín hiệu tích cực từ dòng vốn mới

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua sẽ đưa bất động sản lên một bước ngoặc mới trong việc tiếp cận với nguồn đầu tư nước ngoài, theo CBRE Việt Nam.

Theo ghi nhận, gần đây đã có 112 căn hộ được bán cho người nước ngoài tại một trong những dự án lớn nhất thành phố.

Trước đó, chủ đầu tư City Garden đã ký kết hợp đồng bán căn hộ đầu tiên cho đôi vợ chồng người nước ngoài tại thời điểm điều luật mới về quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực.

Một doanh nghiệp khác là Novaland cũng triển khai chương trình 100 căn hộ đầu tiên chào đón Kiều bào và người nước ngoài nhằm đón đầu nhu cầu của kiều bào và người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, áp dụng cho bốn dự án The Sun Avenue, The Botanica, Lucky Palace, Sunrise CityView.

thi truong bds don tin hieu tu dong von moi

Việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ đưa bất động sản lên một bước ngoặc mới trong việc tiếp cận với nguồn đầu tư nước ngoài.

Dù đã có những giao dịch đầu tiên, song CBRE cho rằng tác động của các thay đổi này lên thị trường dự đoán sẽ không phải là tức thì, nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận. Họ sẽ quan sát và tiến hành giao dịch chỉ khi thị trường thực sự hồi phục. Động thái “chờ-và-xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể nào, CBRE cho biết.

Rõ ràng, Luật Nhà ở 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước và tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, từ đó kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhưng không ít ý kiến băn khoăn khi chưa có các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014. Trong đó, chưa nói rõ thủ tục để xin giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất, Việt kiều muốn mua – bán nhà thì chuyển tiền ra – vô bằng cách nào.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Về quy định, bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận cho chỉ được sở hữu nhà trong trong thời hạn còn lại, ông Châu đề nghị, tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm. Cũng tương tự như trường hợp cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư nước ngoài khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở tại các khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ, thì Chính phủ cần công bố khu vực nào đảm bảo quốc phòng, an ninh mà người nước ngoài không được mua và sở hữu nhà ở. Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an công bố danh mục các khu vực này.

Cũng theo ông Châu, để tạo điều kiện cho cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đề nghị Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng cần thống nhất cấp visa với thời hạn dài, có thể khoảng từ 01 – 03 năm, được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Cafeland