Bất động sản Việt và cơ hội trên đường tới TPP

Ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam cho rằng, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và 3 đạo luật vừa được sửa đổi là Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường địa ốc bước vào chu kỳ phát triển mới.

bds viet va co hoi tren duong toi TPP

Ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam

Từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đã trải qua hai giai đoạn bùng nổ là những năm 1995 khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và giai đoạn 2006-2008, sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Ông có cho rằng, TPP được ký kết sẽ mở ra một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, qua đó giúp thị trường địa ốc bước vào giai đoạn bùng nổ thứ ba?

Keller Williams, công ty dịch vụ bất động sản Mỹ với doanh số giao dịch đạt 185 tỷ USD năm 2014, đang đẩy mạnh chiến lược phát triển toàn cầu và rất quan tâm đến việc đánh giá các cơ hội đầu tư quốc tế để hoạch định bước đi của mình tại các quốc gia và khu vực.

Theo nhìn nhận của chúng tôi, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của các cơ hội rất lớn. Việt Nam đang thực hiện chính sách mở cửa hội nhập kinh tế – thương mại sâu rộng với thế giới, đặc biệt chú trọng với các trung tâm kinh tế thương mại phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo chúng tôi được biết, ngoài TPP đang được tất cả các bên gấp rút kết thúc đàm phán, tiến tới ký kết, Việt Nam cũng sẽ hoàn tất nhiều hiệp định thương mại có ý nghĩa lớn khác như: Cộng đồng kinh tế AEC, FTA với EU, với Liên minh hải quan, với Hàn Quốc.

Với TPP, sau khi gia nhập, Việt Nam sẽ có lợi thế so sánh hơn một số nước trong việc tiếp cận thị trường 12 quốc gia, trong đó có 2 nền kinh tế lớn là Mỹ và Nhật Bản. Chúng tôi nhận định, sẽ có sự bùng nổ mạnh mẽ việc tái phân bố sản xuất trên phạm vi rộng lớn của các công ty và tập đoàn, nhằm tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh, tạo ra từ sân chơi TPP.

Bước vào thị trường Việt Nam trong thời điểm này, Keller Willams sẽ tập trung vào đáp ứng các nhu cầu chất lượng cao của các nhà đầu tư quốc tế về bất động sản thương mại. Chúng tôi tập trung vào văn phòng, thương mại bán lẻ, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp.

Từ 1/7, bộ ba Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ có hiệu lực, trong đó điều kiện sở hữu, kinh doanh bất động sản của người nước ngoài được mở rộng hơn. Theo ông, chính sách này đã đủ hấp dẫn để tạo nên làn sóng đầu tư của người nước ngoài vào bất động sản Việt Nam?

Cuối năm 2014, Quốc hội thông qua 3 đạo luật sửa đổi quan trọng là Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật này đều hướng đến việc mở rộng hơn quyền kinh doanh, giảm thủ tục đối với nhà đầu tư, mở rộng điều kiện sở hữu nhà cho người nước ngoài. So với Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà vào năm 2008, Luật Nhà ở mới đã có sự đột phá lớn hơn. Giờ đây, chỉ cần người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền mua nhà, thay vì những điều kiện khó khăn trước đây như, nếu là pháp nhân phải có giấy chứng nhận đầu tư còn thời hạn từ 1 năm trở lên, cá nhân phải là chuyên gia, có trình độ, được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên…

Mở ra điều kiện này, tổng cầu về bất động sản của thị trường Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên nhiều từ yếu tố ngoại. Thực tế chứng minh, yếu tố ngoại đối với thị trường bất động sản ở mỗi quốc gia, kể cả thị trường lớn như Mỹ là rất quan trọng. Chúng ta còn nhớ giai đoạn Mỹ lâm vào khủng hoảng trầm trọng năm 2008 từ sự sụp đổ của việc cho vay dưới chuẩn, khi đó thị trường bất động sản Mỹ và nền kinh tế Mỹ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, một vài năm sau, thị trường địa ốc Mỹ đã phục hồi ngoạn mục và điều đó không thể không nhắc tới yếu tố dòng vốn ngoại, nhất là từ Trung Quốc và các nước châu Á đổ vào đây.

tp hcm - Copy

Ảnh minh họa

Vậy Keller Williams có dự định gì khi thâm nhập thị trường Việt Nam? Các ông sẽ tìm kiếm dự án bất động sản ở những phân khúc nào và hiện đã có tiếp xúc ban đầu nào với các chủ đầu tư dự án tại Việt Nam để hợp tác kinh doanh?

Thực ra, chúng tôi đã tìm hiểu thị trường Việt Nam từ cách đây 3 năm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sau Canada được Keller Williams cân nhắc nhượng quyền kinh doanh. Với thị trường Việt Nam, chúng tôi đã có cả một kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi tập trung vào phân khúc bất động sản thương mại gồm khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại – bán lẻ, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và công nghiệp.

Chúng tôi sẽ tận dụng triệt để sự kết hợp giữa mạng lưới rộng lớn của Keller Williams International và lực lượng chuyên gia giỏi trong nước được đào tạo bài bản theo mô hình của Keller Williams.

Về đối tác tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá cao Tập đoàn Vingroup. Đây tiếp tục là nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Việt Nam với nhiều dự án có quy mô lớn. Vì vậy, Keller Williams đã lựa chọn ra mắt thị trường bằng sự đồng hành chiến lược với Vincom Office thuộc Vingroup. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng làm việc với tập đoàn này để thu hút những thương hiệu lớn vào các diện tích văn phòng, thương mại, cũng như khai thác các dự án của Vingroup.

Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường có cái nhìn khá dài hạn, nhưng nếu có thể, ông đánh giá cơ hội trên thị trường bất động sản ngay trong năm 2015 này như thế nào? Đâu là cơ  hội và điểm còn nghẽn? Ông khuyến cáo những giải pháp gì để khơi thông điểm nghẽn này?

Như tôi đã nói ở trên, cơ hội của Việt Nam năm 2015 và các năm tiếp theo rất lớn, điều đó có được do kết quả điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã đạt được mục tiêu ổn định bước đầu. Các hiệp định thương mại quan trọng như TPP, AEC, FTA với EU, với Liên minh hải quan, với Hàn Quốc là những cú huýchh mang đến yếu tố ngoại quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, các đạo luật sửa đổi vừa được thông qua và có hiệu lực trong năm nay cũng mở ra điều kiện thuận lợi mới cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn có những hạn chế không nhỏ. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để và đó vẫn là những ung nhọt cần được chú ý. Ngoài ra, dù các luật mới có nhiều tiến bộ, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành và bộ máy hành chính nếu không có cải cách đáng kể có thể cũng là những điểm nghẽn trong việc đưa tinh thần của luật vào cuộc sống.

Theo cafeland