Lý Sơn nằm cách đất liền 18 hải lý với tổng diện tích chỉ gần 10km2, nhưng có hơn 22.000 dân. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng hai nghề chính là đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Huyện đảo được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, đảo Jeju của Việt Nam, vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt và phong cảnh đẹp hiếm có. Tuy nhiên, Lý Sơn vẫn là huyện nghèo với nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Đảo Jeju của Việt Nam
Đảo Lý Sơn được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm… Hòn đảo này nổi tiếng với nghề trồng tỏi bởi các hàm lượng chất có trong tỏi Lý Sơn luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác. Những cánh đồng tỏi xanh mướt xen với không gian xanh ngắt của biển và mây trời luôn mang đến cảm giác thích thú cho du khách khi dừng chân ở nơi này. Bãi biển Lý Sơn rất đẹp, với biển xanh – cát trắng, nắng vàng, cảnh tượng ven bờ biển hùng vĩ với một bên là vách núi sừng sững, một bên là trời biển mênh mông…Địa chất, địa hình và cảnh quan độc đáo đã tạo cho Lý Sơn có nét đẹp không thua kém gì đảo Jeju nổi tiếng của Hàn Quốc.
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Đến Lý Sơn, ngoài việc thư thả ngắm nhìn những khung cảnh đẹp độc nhất vô nhị thì việc thăm viếng những ngôi đền, chùa cổ linh thiêng ở trên đảo cũng là một điểm hấp dẫn du khách với Chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc , đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, di tích hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ…. Trong số đó nổi tiếng nhất là chùa Hang, đây là hang động lớn nhất đảo dùng để thờ Phật, nó được tạo thành từ thế kỉ 16 từ một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới, do nước biển xâm thực. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch. Ở trong hang có những kỉ đá, giường đá rất đẹp. Trước cửa hang là dãy bàng cổ thụ cành lá sum xuê phủ kín cửa hang, trước dãy bàng là tượng Quan Thế Âm hướng ra biển. Ngoài ra, Lý Sơn còn có những hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt, ẩn chứa rất nhiều di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh…
Đặc biệt, khi đến Lý Sơn, du khách không thể bỏ qua những món hải sản tươi ngon nổi tiếng như: cua huỳnh đế, mắm cá giò nhí, gỏi rong biển, cá tà ma xào chua ngọt, cháo nhum (cầu gai)…
Với những tiềm năng nổi trội về du lịch, tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch “biển đảo Lý Sơn” vào năm 2007. Du khách thập phương về thành phố Quảng Ngãi có thể đi theo quốc lộ 24B đến cảng Sa Kỳ, sau đó ra tham quan đảo Lý Sơn bằng tàu cao tốc.
Cần nhiều thay đổi
Ở Lý Sơn, đất chật người đông, ngoài nghề đi biển thì ruộng đất bình quân cho mỗi lao động chỉ hơn 200m2 để trồng hành, tỏi và các loại hoa màu khác. Tuy nhiên, việc khai thác cát ven bờ biển để trồng tỏi và hành đã gây ra những thiệt hại không nhỏ do hiện tượng xâm thực. Biển xâm thực làm người trồng tỏi vất vả hơn. Điều kiện trồng tỏi, hành hiện tại đều khó khăn hơn nhiều, người dân luôn phải bồi cát bằng cách thủ công. Công việc hút cát lấy diện tích trồng trọt là việc làm quanh năm trên đảo. Cát trắng là thành phần không thể thiếu trong canh tác hành tỏi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nguồn cát trắng đang khan hiếm dần. Lý Sơn đang rất cần các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra phương pháp mới để trồng hành tỏi mà không tốn quá nhiều cát trắng, trong khi vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có.
Cánh đồng tỏi tại Lý Sơn
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài, nước ngọt cạn kiệt khiến nhiều hộ dân trên đảo phải đầu tư hàng trăm triệu đồng đào giếng lớn để có nước ngọt tưới cho cây trồng. Trước tình hình này, UBND huyện Lý Sơn khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tránh tình trạng đổ xô đào giếng tràn lan có nguy cơ gây cạn kiệt nước ngầm.
Nghề đi biển tại Lý Sơn phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết, ngư dân cũng có khi trúng đậm cũng có khi trắng tay. Xác định kinh kế biển là mũi nhọn, thế nhưng, đến nay, huyện Lý Sơn mới chỉ tập trung vào khai thác, đánh bắt chứ chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá. Vì chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá nên khi đánh bắt xong, ngư dân không chỉ tốn thêm chi phí nhiên liệu để vào đất liền bán hải sản, mà còn chịu thiệt thòi vì bị ép giá…
Dù thu nhập bình quân đầu người trong những năm qua liên tục tăng, năm 2013 đạt 15,6 triệu đồng, nhưng nhìn chung Lý Sơn vẫn còn là huyện nghèo chơi vơi nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi năm huyện đảo phải hứng chịu 5 – 7 cơn bão. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đảo cho đến năm 2013 còn trên 20%.
Cuộc sống người dân huyện đảo Lý Sơn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và đánh bắt hải sản
Từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm cung cấp điện lươi quốc gia, góp phần nâng cao đời sống của bà con trên đảo, kèm theo các dịch vụ nhà hàng khách sạn, ăn uống phát triển hướng tới là 1 đảo du lịch trong tương lai hướng tới một nền kinh tế tri thức. Và việc đầu tư cho con em đến trường, đỗ đạt, trở về xây dựng biển đảo quê hương là hết sức quan trọng. Tuy nhiên vì điều kiện địa lý cách trở, cho nên việc học của các em còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đất liền. Việc đưa con em lên thành phố Quảng Ngãi học tập và làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp… hỗ trợ kinh tế gia đình đang là một giải pháp tốt nhất cho những người nông dân ở đây. Lực lượng này sẽ làm hậu phương vững chắc cho người thân bám biển, bám đất ở Lý Sơn, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Sông Ngân