Kính tiết kiệm năng lượng: Xu hướng phát triển xanh trong xây dựng Việt Nam

Kính tiết kiệm năng lượng được sử dụng khá phổ biến trên thế giới và đã bắt đầu được chú ý ở Việt Nam, nhằm kiến tạo nên tiêu chuẩn cần thiết cho công trình xanh, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hết tính năng và cách sử dụng của các loại kính tiết kiệm năng lượng trên thị trường.

Kính tiết kiệm năng lượng

Kính tiết kiệm năng lượng là sản phẩm có công năng cao, được sản xuất bằng cách phủ các lớp vật liệu vô cơ với kích thước nano lên bề mặt phôi kính trắng nhằm kiểm soát năng lượng mặt trời truyền qua kính. Các lớp phủ có khả năng ngăn chặn một cách chọn lọc các tia bức xạ nhiệt từ mặt trời và tạo nên màu sắc kính.

Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có hệ số phát xạ thấp, giúp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và ngoài công trình. Ngoài ra, với hệ số hấp thụ nhiệt (SHGC) nhỏ sẽ giúp ngăn cản phần lớn năng lượng nhiệt truyền từ mặt trời thông qua vách kính. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho hệ thống điều hòa không khí, hệ thống sưởi ấm, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát hay giữ ấm tùy theo khí hậu từng vùng.

Xu thế sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình xây dựng hiện đại. Ảnh: Lê Toàn

Hiện nay, kính tiết kiệm năng lượng có 2 dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi, bao gồm Low-E và Solar Control. Ở thị trường Việt Nam, kính tiết kiệm năng lượng hiện chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài như Bỉ, Pháp…

Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, kính tiết kiệm năng lượng dần trở thành giải pháp thay thế cho vật liệu kính thông thường, bởi hiệu quả kinh tế mà nó có thể mang đến cho những công trình hiện đại. Tuy nhiên, việc ứng dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất với người tiêu dùngViệt Nam còn là vấn đề đáng bàn. Bởi lẽ, người tiêu dùng Việt thực sự chưa nắm rõ tính chất kỹ thuật đặc trưng 2 dòng sản phẩm Low-E và Solar Control.

Kính Low-E

Theo khảo sát, tại khu vực TP.HCM, tình trạng các doanh nghiệp gia công kính xây dựng cho đến các chủ đầu tư công trình cao ốc luôn lựa chọn kính Low-E cho mục đích tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tính năng của kính Low-E lại phù hợp với khu vực có khí hậu lạnh, bởi đặc điểm kính Low-E là ngăn cản sự thất thoát nhiệt từ môi trường bên trong ra môi trường bên ngoài. Ngoài ra, với độ truyền sáng cao từ 60 – 70% sẽ mang nhiều ánh sáng và năng lượng từ mặt trời hơn vào trong phòng, giúp cho căn phòng luôn ấm áp vào mùa đông. Nếu sử dụng kính Low-E ở khu vực khí hậu nhiệt đới sẽ tạo ra cảm giác chói mắt, khó chịu vì đặc tính độ truyền sáng cao.

Kính Solar Control

Trong khi đó, kính Solar Control với đặc tính phản xạ và hấp thụ bức xạ nhiệt mặt trời, ngăn không cho nhiệt từ mặt trời truyền vào trong phòng. Nhờ đặc điểm này, kính Solar Control giúp tiết kiệm đáng kể lượng điện năng trong vận hành máy điều hòa không khí làm mát trong phòng, vì các hệ thống này chỉ phải vận hành ở công suất thấp hơn.

Đặc biệt, dòng kính Solar Control có độ truyền sáng thấp, ở khoảng 35 – 50%, không gây ra cảm giác chói nắng, phù hợp với những vùng có số giờ nắng cao như Việt Nam, thêm vào đó, khả năng ngăn cản tia UV xâm nhập vào bên trong hơn 80% giúp bảo vệ sức khỏe con người. Do đó, kính Solar Control sử dụng phù hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới như các tỉnh khu vực phía Nam.

Hơn nữa, dòng kính Solar Control có thể sử dụng được kết cấu đơn (kính Low-E phải dùng kết cấu kính hộp), nên khả năng ứng dụng đa dạng hơn, đồng thời giảm được chi phí cho hệ thống khung nhôm.

Theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng người tiêu dùng Việt Nam chưa tường tận trong việc lựa chọn chủng loại kính tiết kiệm năng lượng như trên là do hầu hết kính tiết kiệm năng lượng được nhập khẩu từ châu Âu. Những nước này có khí hậu ôn đới và hàn đới, thường sản xuất kính Low-E để giải bài toán tiết kiệm năng lượng vào mùa Đông. Trong khi đó, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, nên việc sử dụng loại kính này cần được người tiêu dùng tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng sao cho phù hợp, tránh tác dụng ngược.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *