Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản bởi giao dịch vẫn đang diễn ra bình thường, chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường..
Theo số liệu của Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) mặc dù số lượng giao dich tăng mạnh ở những tháng đầu năm, nhưng theo đánh giá của Hiệp Hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) thì thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và tồn tại.
Theo HoREA, thị trường dù đà hồi phục tăng mạnh nhưng chưa thật sự vững chắc, sự phát triển chưa đồng đều, chưa cân đối trên tất cả các phân khúc thị trường BĐS.
“Thị trường đang có sự tăng trưởng rất mạnh trong phân khúc BĐS cao cấp nhưng đang thiếu nguồn cung dự án và sản phẩm trên phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán hợp túi tiền của người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp đô thị”, HoREA nhận định.
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhận định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản trong năm 2015 và 2016.
Về quan ngại nguy cơ lập lại tình trạng bong bóng BĐS như đã từng xảy ra năm 2007, năm 2010, Hiệp hội nhận thấy tình trạng bong bong BĐS như đã từng xảy ra năm 2007, năm 2010, hoặc giai đoạn thị trường BĐS bị đóng băng trong các năm 2008, 2009, 2011, 2012, 2013 đều gây tác hại đến nền kinh tế, người tiêu dùng, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, ngân hàng, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp và cả Nhà nước.
Do vậy, không để lập lại tình trạng bong bóng BĐS hoặc thị trường BĐS bị đóng băng chẳng những là mục tiêu của Nhà nước, mà cũng là mong muốn và quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngân hàng.
Theo HoREA, bong bóng BĐS chỉ có thể xuất hiện khi hội đủ các yếu tố sau: Nền kinh tế phát triển quá nóng; có sự buông lỏng chính sách tín dụng, hạ chuẩn cấp tín dụng một cách dễ dãi; có sự phát triển lệch pha trên thị trường BĐS, thường xảy ra tại phân khúc BĐS cao cấp; có sự xuất hiện của các nhà đầu cơ găm hàng, làm giá, kích động, tạo nhiều đợt sóng đẩy giá ảo trên thị trường bất động sản; thiếu sự can thiệp hợp lý bằng các đòn bẩy kinh tế của Nhà nước vào thị trường BĐS.
Đối chiếu với các yếu tố nêu trên, Hiệp hội nhận định chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS trong năm 2015 và 2016, bởi lẽ, nền kinh tế đất nước chỉ mới đang trên đà hồi phục, Chính phủ giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đang thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt, đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, không có tình trạng buông lỏng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý; phân khúc BĐS cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất lớn, rất nhiều, rất mạnh nhưng có thể nhận định vẫn còn trong tầm kiểm soát; giao dịch BĐS vẫn đang diễn ra bình thường; và chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường BĐS.
Với những đánh giá đó, HoREA nhận định, những tháng cuối năm nay thị trường vẫn sẽ tiếp đà hồi phục và phát triển mạnh hơn so với những tháng đầu năm, nhưng vẫn còn trong tình trạng phát triển chưa thật sự vững chắc.
Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2, từ 1-2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2, có tổng giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/ căn hộ đáp ứng nhu cầu nhà ở của cán bộ công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị, vẫn là phân khúc chủ đạo do nhu cầu của thị trường rất lớn, thanh khoản tốt sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, nhưng nguồn cung dự án kể cả dự án nhà ở xã hội và sản phẩm còn rất thiếu.
Phân khúc thị trường văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại cũng sẽ tiếp tục đà hồi phục và phát triển. Đồng thời, phân khúc thị trường BĐS cao cấp cũng tiếp tục tạo ra động lực tích cực, nhất là các dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu.
Riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh, từ nửa cuối năm 2015 đến năm 2017, nguồn cung dự kiến sẽ tăng mạnh, đón nhận thêm khoảng 59.200 căn hộ mới của 90 dự án hiện có và các dự án dự kiến sẽ triển khai, trong đó có nhiều dự án BĐS cao cấp, nên dự báo sẽ dẫn tới sự cạnh tranh diễn ra rất quyết liệt trong thời gian tới.
Vì thế, các chủ đầu tư phải tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, nâng cao chất lượng, tiện ích, dịch vụ, giá cả hợp lý, phương thức thanh toán linh hoạt, có nhiều giải pháp hỗ trợ người mua nhà, điều tiết tiến độ sản phẩm đáp ứng nhu cầu và sức mua của thị trường tại từng thời điểm, để đảm bảo tính thanh khoản, không để xảy ra tình trạng nguồn cung quá lớn so với nhu cầu thực.
HoREA cho rằng, đây cũng là thời điểm mà người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn sản phẩm đa dạng, với giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình do trên thị trường BĐS đang và sẽ có rất nhiều dự án được triển khai.
Theo Infonet