TPHCM đáng được hưởng gần 8.000 tỉ đồng

Ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, khẳng định về lý, TP được “bỏ túi” số tiền này để đầu tư các công trình trọng điểm đang thiếu rất nhiều kinh phí

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân vừa có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết thưởng vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 cho TP với số tiền 7.994 tỉ đồng theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.

Đầu tư những công trình cấp bách

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 24-6, ông Võ Văn Luận khẳng định số tiền gần 8.000 tỉ đồng này đáng lý TP HCM được hưởng. “Luật Ngân sách cho phép địa phương thu vượt ngân sách thì được điều tiết giữ lại theo tỉ lệ phần trăm. Năm 2014, toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân TP đã phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao với số tiền hơn 250.000 tỉ đồng (không kể thu từ dầu thô), đạt 110,35% dự toán. Hơn nữa, nghị định của Chính phủ cũng quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP. Về lý, TP được “bỏ túi” số tiền này để đầu tư các công trình trọng điểm đang thiếu rất nhiều kinh phí” – ông Luận khẳng định.

Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây đoạn qua địa bàn TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

Theo ông Luận, lẽ ra khi kết thúc năm 2014, trung ương và Bộ Tài chính phải quyết toán gần 8.000 tỉ đồng cho TP HCM. “Theo quy định thì được hưởng nhưng cuối cùng TP phải làm văn bản kiến nghị. Đúng ra, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ đề xuất giữ số tiền này lại cho TP” – ông Luận lý giải.

Ông Luận cho biết số tiền này dùng để đầu tư những công trình cấp bách, phát triển kết cấu hạ tầng; đặc biệt là các dự án chống ngập, cung cấp nước hợp vệ sinh, trường học, nhà trẻ cho con công nhân. “Đây là những vấn đề đang rất bức xúc, căng thẳng đối với TP” – ông Luận nhấn mạnh.

Tỉ lệ điều tiết ngày càng giảm

Một lý do khác mà TP HCM kiến nghị trung ương thưởng gần 8.000 tỉ đồng là hiện ngân sách hằng năm mà TP được giữ lại theo tỉ lệ điều tiết ngày càng giảm, trong khi nhu cầu chi đầu tư ngày càng tăng. Trước đây, TP được giữ lại tới 32% nhưng hiện chỉ còn 23% nên rất khó khăn trong việc chi đầu tư trở lại. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư các công trình, dự án của TP rất lớn, bình quân 35.000-40.000 tỉ đồng/năm nhưng vốn chỉ đáp ứng được 20%. “Vì vậy, liên tục nhiều năm qua, TP đều có văn bản kiến nghị được tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, ít nhất bằng 32% nhưng chưa được trung ương chấp nhận” – ông Luận cho biết.

Bên cạnh đó, mặc dù TP HCM đã tập trung phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, khai thác các khoản thu từ nhà đất nhưng vẫn không bảo đảm được cân đối nên phải tăng cường huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức, như: phát hành trái phiếu đô thị, vay mượn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (ODA) để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngày càng trở nên hết sức cấp bách.

Đến nay, số dư nợ của TP đối với các khoản vay trong nước là 12.669 tỉ đồng, các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỉ đồng. Bình quân mỗi năm, TP phải cân đối khoảng 3.000 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi đến hạn. Tình trạng nêu trên làm cho ngân sách TP ngày càng khó khăn hơn vì vừa phải bảo đảm nguồn chi đầu tư vừa phải thanh toán các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn.

Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách khó khăn nhưng TP HCM cũng cân đối để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn; chi bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng do ngân sách trung ương đầu tư, như: dự án mở rộng tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây qua địa bàn quận 2 và quận 9, dự án đường nối đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, dự án Quốc lộ 50 qua địa bàn huyện Bình Chánh.

Góp phần đáng kể cho tổng thu ngân sách cả nước

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, với tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước”, trong những năm qua, TP đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế. TP HCM đã cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch, khai thác, mở rộng thị trường ngoài nước, quảng bá thương hiệu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… Kết quả, TP giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chỉ số giá tăng thấp, ổn định dần thị trường tài chính – tín dụng, kiểm soát và kiềm chế lạm phát trên địa bàn; từ đó góp phần đáng kể cho tổng thu ngân sách cả nước. Hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỉ trọng gần 30% tổng thu ngân sách cả nước.

 

Theo Người Lao động