Việt Nam sẽ chiếm vị thế “công xưởng thế giới”

Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, các tổ chức quốc tế đều nhận định rằng, GDP của Việt Nam năm 2015 có thể tăng trưởng từ 6-6,5%; ANZ nhận định khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ chiếm vị thế “công xưởng thế giới”.

viet nam tro thanh cong xuong the gioi

Báo cáo của Bộ Ngoại giao về kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2015 và đánh giá quốc tế về kinh tế Việt Nam cho biết, các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định kinh tế Việt Nam năm 2015 có thể đạt được từ 6-6,5% nhờ xuất khẩu, FDI, kiều hối được duy trì, dự trữ ngoại hối tăng và môi trường kinh doanh cải thiện. Dư luận quốc tế cũng đánh giá tích cực nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo các tổ chức này, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế tốt lạm phát, ổn định tỷ giá và tăng niềm tin vào đồng Việt Nam sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển và tranh thủ lợi ích từ thương mại.

Cụ thể, IMF đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Còn WB thì cho rằng, việc tích cực đàm phán và ký kết các FTA sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng hóa đa dạng.

Cũng về chủ đề này Bloomberg nhìn nhận: Ổn định chính trị, vị trí địa chính trị thuận lợi, cơ cấu dân số trẻ, giá nhân công cạnh tranh là những lợi thế để Việt Nam thu hút mạnh đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Từ một góc nhìn khác, Ngân hàng ANZ nhận định: Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ chiếm vị thế “công xưởng thế giới” trong 10-15 năm tới, khi các công ty chuyển tới khủ vực này để tranh thủ nguồn lao động dồi dào.

Tuy nhiên ý kiến chung của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng Việt Nam có thể phát triển bền vững hơn nếu phát huy những động lực phát triển trong toàn xã hội thông qua đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, ưu tiên chất lượng tăng trưởng, bởi nếu phát triển chỉ dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài không đủ đưa Việt Nam lên tầm mức phát triển mới.

Bên cạnh đó, các điểm yếu của môi trường kinh doanh ở Việt Nam chậm được khắc phục là chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công (y tế, giáo dục…) còn hạn chế, thiếu nhân lực có kỹ năng, thủ tục phức tạp (hải quan, thuế, xin giấy phép lao động…).

Theo Ngân hàng HSBC, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nợ xấu, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao, cải cách doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công còn chậm. Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc IMF Mitsuhiro Furusawa khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải cách khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô và ưu tiên phát triển bền vững.

Nhìn nhận chung về kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2015, các tổ chức quốc tế cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng chậm, khó lường và nhiều rủi ro thì kết quả Việt Nam đạt được là tích cực. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai đối ngoại sâu rộng về phạm vi đối tác, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, củng cố niềm tin của quốc tế, qua đó tiếp tục duy trì thu hút vốn FDI, ODA và thúc đẩy xuất khẩu.

Trong nửa cuối năm 2015, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều bất trắc tác động đến kinh tế Việt Nam khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và thực hiện nhiều cam kết liên kết quốc tế. Do vậy, để góp phần phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2015, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến kinh tế đối ngoại, khai thác tốt các thị trường hiện có, tăng cường tìm kiếm thị trường tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản.

Đồng thời tăng cường theo dõi diễn biến kinh tế thế giới, nhất là diễn biến giá dầu, giá hàng hóa cơ bản, tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt… để chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, bình ổn thị trường bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là đã ký FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu và Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, để tiếp tục thúc đẩy đàm phán với FTA với các đối tác chủ chốt trên cơ sở bảo đảm cân bằng lợi ích, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện trường đầu tư, kinh doanh, dỡ bỏ các rào cản để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường năng lực sản xuất, tạo nguồn hàng có giá trri gia tăng trong nước cao để tranh thủ cơ hội mở rộng thị trường do các FTA mang lại. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về các tác động thuận và không thuận của các FTA để tăng cường sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn dân trong tận dụng các cơ hội, vượt qua thách thức.

Theo vietstock