Bất động sản Bình Dương sôi động từ chính sách vĩ mô

Theo ý kiến của các nhà quản lý, lãnh đạo các công ty Bất động sản thì việc nới lỏng chính sách cho vay ngành bất động sản và chính sách cho phép Việt Kiều, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam cùng với việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy thị trường Bất động sản Bình Dương phát triển sôi động trong thời gian tới.

Lợi thế hạ tầng

Theo công ty nghiên cứu thị trường CBRE, 3 tháng đầu năm 2015, Bình Dương có đến hơn 1.000 căn hộ được chào bán ở tất cả các phân khúc, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Bất động sản tại Bình Dương đang ngày càng trở nên sôi động, hàng loạt các dự án về nhà ở thương mại, các khu đô thị hay trung tâm thương mại đang nhận được sự đầu tư ồ ạt từ nhiều nhà đầu tư nội và ngoại. Theo giới kinh doanh địa ốc, một trong những yếu tố giúp cho thị trường Bất động sản Bình Dương luôn sôi động chính là sự đột phá về hạ tầng của tỉnh này.

tp-moi-binh-duong

Toàn cảnh TP mới Bình Dương

Hiện tại, Bình Dương đã đưa vào sử dụng hàng trăm công trình được xây dựng từ năm 2014. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương về công tác đầu tư xây dựng cơ bản thì tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 được phân bổ là 4.500 tỷ đồng. Cụ thể, vốn tỉnh quản lý hơn 2.402 tỷ đồng, chiếm 53,4%; vốn huyện, thị xã, TP quản lý hơn 2.097 tỷ đồng, chiếm 46,6%. Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014: tổng giá trị khối lượng hoàn thành hơn 4.256 tỷ đồng, đạt 94,59% kế hoạch; tổng giá trị cấp phát hơn 4.438 tỷ đồng, đạt 98,64% kế hoạch. Từ nguồn vốn đầu tư cơ bản được phân bổ, trong năm 2014, các sở, UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư dự án đã phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện nguồn vốn trên hiệu quả. Cụ thể, trên địa bàn toàn tỉnh có 219 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó, có 28 công trình giáo dục, y tế thuộc nguồn vốn xổ số kiến thiết do huyện, thị xã, thành phố quản lý.

hinh-thuc-te-TTHC-Binh-Duong

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2013

Với nguồn vốn đầu tư cơ bản được phân bổ, những năm qua trên địa bàn Bình Dương đã có nhiều công trình hạ tầng giao thông được đầu tư khang trang, hiện đại. Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần phát triển Kinh tế – Xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong năm 2015, Bình Dương tiếp tục được phân bổ 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; trong đó, vốn tỉnh quản lý là 3.000 tỷ đồng chiếm 60%, vốn huyện, thị xã, thành phố quản lý là 2.000 tỷ đồng, chiếm 40%.

phoi-canh-khu-cong-vien-trung-tam

Một góc công viên Thành phố mới Bình Dương

Ngoài ra, năm 2015 cũng sẽ tập trung triển khai thực hiện một số công trình quan trọng như: cơ sở hạ tầng 2 huyện mới, dự án đền bù đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài, dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường, dự án Trường quay – Nhà bá âm đài phát thanh truyền hình tỉnh, 3 tuyến BOT ở thị xã Tân Uyên và một số công trình giáo dục, y tế ở các thị xã, thành phố… Nhiều tuyến đường ở Bình Dương đã được đầu tư khang trang, hiện đại kết nối thông suốt với TP.HCM và các tỉnh thành khác từ nguồn vốn đầu tư cơ bản.

Đặc biệt, mới đây, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã trình UBND tỉnh Bình Dương kết quả nghiên cứu giữa kỳ Dự án tiền khả thi xây dựng và phát triển khu vực xung quanh Ga Suối Tiên và Dự án xe buýt cao tốc nối từ Bến xe Suối Tiên (TP. HCM) về thành phố mới Bình Dương.

Theo thiết kế, tuyến buýt nhanh đô thị đầu tiên của Bình Dương sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Lộ trình từ Bến xe miền Đông mới theo Quốc lộ 1A đi qua Đại học Quốc gia về đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đến trung tâm TP. Thủ Dầu Một theo đường Phạm Ngọc Thạch và kết thúc tại thành phố mới Bình Dương. Tần suất hoạt động giữa 2 chuyến vào giờ cao điểm là 20 phút/chuyến. Năng lực vận chuyển dự kiến 1.125 hành khách/ngày; giai đoạn II (sau năm 2020), thời gian giữa 2 chuyến rút xuống còn 4 – 5 phút/chuyến và lượng hành khách dự kiến tăng lên 10.000 hành khách/ngày; giai đoạn III (sau năm 2022), thời gian giữa 2 chuyến là 3 phút và số lượng hành khách tăng từ 15.000 đến trên 20.000 hành khách/ngày. Dự kiến, tổng mức đầu tư cho dự án là 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản. Khi dự án này hoàn thành, giao thông giữa Bình Dương và TP.HCM sẽ ngày càng thuận tiện, người dân hoàn toàn có thể sống ở Bình Dương và làm việc tại TP. HCM.

Sôi động từ chính sách

Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, khu vui chơi giải trí, văn phòng tại Bình Dương… kéo theo hàng ngàn chuyên gia, doanh nhân người nước ngoài, Việt kiều về đây sinh sống, làm phát sinh nhu cầu mua đất, mua nhà ở rất lớn. Ngày 1/7 sắp tới khi dự luật cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam được thực thi sẽ khiến thị trường Bất động sản Bình Dương sôi động hơn rất nhiều. Ngoài ra, phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội cũng sẽ hút khách vì nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động cũng rất lớn.

kcn

Nhiều Khu công nghiệp mọc lên đã kéo theo nguồn nhân lực rất lớn, đây là yếu tố khiến nhu cầu bất động sản tại Bình Dương sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ từ Chính phủ với những quy định nới lỏng hơn như người dân có thể vay mua nhà dưới 1,5 tỷ đồng thay vì phải mua nhà dưới 70m2 và dưới 15 triệu đồng/m2, chắc chắn sẽ đẩy sức mua của thị trường căn hộ có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng tăng lên. Các chuyên gia Bất động sản nhận định, phân khúc nhà đất giá trị dưới 1 tỉ đồng sẽ đáp ứng nhu cầu thực của đa số người dân hiện nay và năm 2015 hứa hẹn sẽ là năm đầy sôi động của thị trường Bất động sản Bình Dương từ cú hích chính sách và lợi thế hạ tầng của tỉnh này. Đây cũng là thời điểm xuống tiền tốt nhất của cả nhà đầu tư và người mua để ở.

Sông Ngân